- Đề phòng sự biến tướng nhằm “lách” quy định cấm ngân hàng thương mại huy động vàng sau ngày 30/6, Ngân hàng Nhà nước ngày 4/7 đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm ngưng cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng cho người dân để chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể. Quan điểm của ông đối với quy định cấm huy động vàng của Ngân hàng Nhà nước là như thế nào?
- Việc Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng là đúng và cứ phạm luật là phải phạt, nhẹ thì phạt bằng tiền, nặng hơn thì rút giấy phép, nặng hơn nữa thì “treo cổ”. Việc cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng nằm trong chiến lược của Chính phủ nhằm chống vàng hóa và chống USD hóa, đẩy toàn bộ vàng và USD ra khỏi ngân hàng với tư cách là một tài sản tiền gửi.
|
TS. Lê Xuân Nghĩa
|
Sở dĩ Chính phủ làm như vậy vì đồng tiền của mình phải do ngân hàng của mình quản lý, chứ ngân hàng trung ương của Việt Nam không thể quản lý đồng tiền của Mỹ được. Vì USD của Mỹ phụ thuộc vào chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Việt Nam muốn có một chính sách tiền tệ độc lập thì phải chống cả USD hóa, chống cả vàng hóa vì giá vàng bị lệ thuộc vào giá vàng quốc tế và giá vàng quốc tế cũng bị thao túng bởi những tập đoàn, quỹ đầu cơ cực kỳ lớn.
- Ông đã từng dự đoán rằng sau ngày 30/6/2013, nhu cầu vàng tất toán sẽ giảm, nhưng thực tế đã không đúng như vậy...?
- Thực ra mà nói cũng có một số ngân hàng thương mại muốn tất toán trạng thái vàng của họ, nhưng họ lại không có tiền mặt để đi mua vàng. Bản thân họ đang có những khó khăn lớn về thanh khoản, cho nên thời hạn tất toán cứ bị kéo dài tới sau 30/6.
Thứ hai, toàn bộ những khoản vàng mà ngân hàng thương mại cho vay đi rồi, nhưng lại cho vay dài hạn mà bây giờ chưa tới hạn, nên muốn tất toán rất khó. Tất toán tiền gửi thì rất dễ, nhưng tất toán tiền cho vay mới phức tạp.
Như vậy, ngân hàng đành phải làm một dịch vụ biến vàng thành tiền, tức biến nợ vàng thành nợ tiền. Điều này rất mất thời gian và nhiều doanh nghiệp cũng không chịu do giá vàng đang xuống. Cho nên cũng cần phải kéo dài thêm thời gian nữa mới xử lý được vàng cho vay.
- Ông đánh giá như thế nào về các quyết sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vàng thời gian qua và hiện nay?
- Toàn bộ các câu chuyện hạn chế nhập khẩu vàng, độc quyền kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Trung ương và quốc hữu hóa nhãn hiệu vàng SJC và biến SJC thành xưởng của Ngân hàng Trung ương là một hành động bắt buộc phải làm trong ngắn hạn.
Thứ nhất, để tăng dự trữ ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ từ năm 2008 đến năm 2011 tụt từ 23 tỷ USD xuống còn 7 tỷ USD nên buộc phải tăng dự trữ ngoại tệ trở lại. Bởi Việt Nam là quốc gia vay nợ nước ngoài, nhận viện trợ nước ngoài, có thể huy động vốn nước ngoài mà dự trữ ngoại tệ thấp thì không ai tin vì nhỡ mất thanh khoản thì lấy gì để trả đối tác.
Thứ hai, muốn giữ tỷ giá hối đoái ổn định thì dự trữ ngoại tệ phải đủ lớn để sẵn sàng can thiệp nếu không các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất lo ngại rằng khi họ mang tiền vào thì đồng VND đang được giá nhưng khi rút tiền ra thì tỷ giá lại “trên trời”, do lợi nhuận kiếm được bằng đồng VND đến khi quay trở lại mua ngoại tệ để đưa về nước thì còn rất ít. Do vậy, hành động hạn chế nhập khẩu vàng là để bảo vệ cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại tệ.
- Nhưng hạn chế nhập khẩu vàng lại mâu thuẫn với việc càng hạn chế nhập khẩu thì chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế càng gioãng ra, thưa ông?
- Giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch cao càng tạo điều kiện cho buôn lậu vàng. Để hạn chế buôn lậu, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, các đối tượng buôn lậu vàng chỉ có lãi khi mà biến được vàng nhập lậu về thành vàng SJC, còn nếu không biến được thành vàng SJC thì sẽ không có lãi. Muốn vậy, các đối tượng này phải bỏ ra 200 ngàn đồng/lượng để SJC gia công cho họ, còn nếu bán ngoài thị trường sẽ lỗ.
Để hạn chế việc lợi dụng chênh lệch giá để buôn lậu vàng thì Chính phủ tiến thêm một bước nữa là công bố độc quyền kinh doanh vàng miếng và quốc hữu hóa luôn SJC, như vậy không thể tuồn được vàng buôn lậu vào SJC nữa. Vì thế hiện nay tuy chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế rất lớn nhưng không đối tượng nào dám buôn lậu.
Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, khoảng 18 tháng, chúng ta đã đưa dự trữ ngoại tệ lên hơn 20 tỷ USD. Đây là một thành công rất lớn. Nhưng về dài hạn, Chính phủ phải quay trở lại cấp quota nhập khẩu vàng tương đối mạnh tay hơn để cân bằng giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế hoặc có thể phải thành lập một sàn vàng quốc gia để vàng trong nước và vàng quốc tế liên thông với nhau. Nói tóm lại, các chính sách của Chính phủ rất có hiệu quả trong ngắn hạn.
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam